ĐỪNG LO KHI BẠN VẪN CHƯA TÌM THẤY "ĐAM MÊ"
Trí thức trẻ
Lúc này có thể bạn vẫn chưa định hướng được con đường phía trước cần đi là gì. Nhưng bạn đừng quá lo lắng, tất cả đều có thể bắt đầu ngay từ lúc này.
Bạn đã thật sự có một đam mê?
Có lẽ, nhiều khi bạn phân vân, băn khoăn giữa nhiều lựa chọn và ngập
ngừng khi ra quyết định cho chính mình. Đôi lúc dừng lại, bạn chán nản
tự hỏi: “Sở thích của mình là gì?”. “Đam mê của mình là gì?” hay “Mình thật sự muốn làm cái gì?”
Đam
mê được định nghĩa như một thái độ sống, một thứ không thể thiếu đối
với mỗi người, đặc biệt là người trẻ và các bạn học sinh, sinh viên như
chúng ta. Theo cách lý giải của một số người thì thiếu đam mê, cuộc sống
của bạn sẽ vô nghĩa. Nhưng, thiếu đam mê với một thứ gì đó, thiếu một
mục tiêu theo đuổi thì cuộc sống của chúng ta có thể tẻ nhạt thật nhưng
chắc chắn không phải là thảm họa. Và việc bạn có thể đã 19, 20 tuổi mà
vẫn chưa xác định được mình đam mê cái gì cũng không hẳn là quá tồi tệ
đâu!
Đam mê không hẳn là yếu tố đảm bảo cho sự thành công
Nếu
được xếp thứ hạng thì đam mê chắc sẽ đứng ở vị trí cao nhất trong bảng
xếp hạng để đạt được thành công. Để tìm được đam mê, để
biết mình sẽ sống, đấu tranh và theo đuổi cho mục tiêu gì thật sự không
hề đơn giản. Chúng ta cần phải bước lên từng nấc một và không phải ai
cũng leo lên được đến nấc cuối cùng. Việc bạn dừng lại lưng chừng đâu
đó giữa cái thang có thể là do chính bạn hoặc do nhiều yếu tố tác động
từ bên ngoài.
Đôi khi, chúng ta cũng không
nên quá “đam mê chủ nghĩa” hoặc là cực đoan, xem nặng cái việc phải tìm
được một cái gì đó để đam mê. Chẳng hạn như bắt ép bản thân quá mức,
hình thức hóa để bắt buộc bản thân phải tìm cho ra đam mê của mình, rồi
kết lại hóa ra đó cũng chưa phải là đam mê thực sự. Và điều còn lại
nhiều khi chỉ là những chán nản, bế tắc và hoang mang.
Khi được hỏi về vấn đề này, cô T.M ( GV trường ST, QN) chia sẻ: “Rất
nhiều bạn học sinh chọn thi vào các trường, các ngành kinh tế như một
trào lưu. Không phải ai chọn các ngành nghề kinh tế cũng xác định được
rõ ràng con đường của mình sau này. Nhưng dù có không vì một niềm đam mê
tuyệt đỉnh nào đó, thì cũng vẫn sẽ ổn. Còn nếu nói các em học kinh tế
vì đam mê thì thử hỏi vậy có bao nhiêu bạn đang theo học là vì một niềm
đam mê “thay đổi nền kinh tế quốc gia và thế giới” mãnh liệt cơ chứ?
Suy cho cùng, chỉ cần các em không quá ghét, còn lại nếu cảm thấy
“thích” là được.”
Đam
mê chỉ là một yếu tố chứ không phải một sự bảo đảm cho thành công của
bạn. Đôi khi, nếu không tìm thấy một thứ gì đó bạn yêu thích hay khiến
bạn say mê đến mức sẵn sàng hy sinh, đánh đổi để thực hiện đến cùng thì
chỉ cần bạn yêu thích vừa đủ với một thái độ nghiêm túc là được.
Tập bắt đầu từ nấc thang “sở thích”
Chắc
chắn, không dễ để định vị được một đam mê nào đó còn tiềm ẩn trong bạn
và cũng không thể nói trước, bạn có thể theo đuổi được niềm đam mê đó
hay không. Thế nhưng, nếu bạn thực sự muốn bắt đầu, thì phải tập tiến
lên từ nấc thang thấp nhất, đó là sở thích.
Bạn
không thể trở thành giáo viên nếu như bạn không thích công việc dạy
học. Bạn không thể trở thành họa sĩ nếu bạn ghét việc cầm cọ và tô màu.
Nói gọn hơn, bạn không thể học tốt nếu như bạn không thích và chán học.
Hãy bắt đầu từ những thứ, những việc bạn yêu thích, muốn làm hơn mức
bình thường. Đó chính là những sở thích của bạn. Những sở thích tốt mang
lại những điều tốt đẹp , làm cuộc sống của bạn trở nên đáng sống hơn
bạn tưởng. Một sở thích tốt sẽ được hình thành dựa trên nền tảng cơ bản
về những khả năng, thế mạnh của bạn.
Sở thích,
ở một mức độ nào đó thì chưa thể gọi là đam mê. Và đến một lúc nào đó,
mỗi chúng ta sẽ đều có cơ hội tìm thấy được niềm đam mê của chính mình.
Thế nhưng, ngay cả khi những sở thích cũng chẳng thể đưa cho bạn một câu
trả lời chính xác và hoàn hảo cho câu hỏi “đam mê của mình ở đâu?” thì
cũng… chẳng sao. Hãy cứ đi từng bước, hãy bắt đầu bằng sở thích đơn giản
và đừng băn khoăn dằn vặt nó sẽ dẫn đến cái gì cả vì điều quan trọng
nhất là khám phá những khả năng ẩn bên trong bản thân thì bạn đang làm
rất tốt đó thôi.
Post a Comment