Friday, May 24, 2013

NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT KHI CHỌN VIỆN DƯỠNG LÃO

NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT KHI CHỌN VIỆN DƯỠNG LÃO


By Diễm Quyên/ Sống Magazine

Cuộc sống ở Mỹ, mọi người thường phải chạy đua với thời gian, vừa đi làm vừa lo toan đủ việc. Nhiều người Việt ở Mỹ lâm vào hoàn cảnh không thể chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ trong tuổi già như những thế hệ trước đây đã từng làm. Trong cuộc sống hiện đại, con cháu đi học, đi làm cả ngày, gặp nhau cũng đã khó, thời gian chăm sóc chu đáo cho cha mẹ thật không dễ.

Có người phải đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão, vì không còn chọn lựa nào hơn. Nếu không làm vậy thì phải để cha mẹ hiu quạnh trong bốn bức tường, suốt cả ngày, không thể chăm sóc được đến nơi đến chốn, khiến họ cô đơn trong chính căn nhà của mình.

Với những cụ đã ở trong viện dưỡng lão, nếu có con cháu thăm viếng thường xuyên, không hề cảm thấy bị bỏ rơi, mà thậm chí còn muốn sống trong viện dưỡng lão, để đỡ phiền con cháu và còn được sống vui khỏe. Thật ra, thì các cụ này cũng rất tinh tế, khi có những suy nghĩ theo cách nhìn nhận của giới trẻ. Dù sao đi nữa thì  việc chọn lựa viện dưỡng lão thích hợp là một việc quan trọng và một số yếu tố sau đây nên được cân nhắc kỹ lưỡng để cha mẹ có thể tận hưởng tuổi già và được chăm lo một cách chuyên nghiệp.

1. Nên thăm viếng vài viện dưỡng lão để so sánh và xác định nơi nào là thích hợp cho cha mẹ. Sau buổi thăm viếng đầu tiên do giám đốc hay quãn lý trung tâm hướng dẫn, hãy trở lại thăm viếng bất ngờ vào những ngày giờ khác nhau để quan sát. Thời điểm thích hợp để đến thăm là ngày Thứ bẩy từ 6:00 - 7:00 chiều. Thông thường vào ngày thứ bẩy, các giám đốc trung tâm, quãn lý, nhân viên phụ trách giao tế và quảng bá đều không làm việc, và chỉ có nhân viên chăm sóc thôi, cho nên có thể nhìn cách thức sinh hoạt thật của viện dưỡng lão. Hãy trò chuyện cùng các cụ sống tại đó, và hỏi về những gì họ thích ở viện dưỡng lão. Vào dịp khác, nhớ ghé thăm vào các giờ ăn trưa và tối vì đây là những lúc bận rộn nhân viên có thể quên mang thức ăn cho những người yếu bệnh phải ở trong phòng.

2. Hãy để ý mức độ ồn ào. Đa số các viện dưỡng lão có phòng dành cho 2 người ở chung, và mỗi người đều có Tivi riêng. Nhiều lúc có người lại mở đài theo ý của mình và vặn lớn để át tiếng Tivi kia. Vì thế, những người già có chuyện cần kêu cứu thì không ai nghe được. Đồng thời, cũng lưu ý đến hệ thống báo động khẩn cấp (emergency alarm) cho mỗi phòng riêng và cho toàn khuôn viên của viện dưỡng lão.

3. Hãy để ý và hỏi về số nhân sự. Tùy theo ca làm việc, tỷ lệ nhân viên chăm sóc trực tiếp (direct care giver) cho người già phải tương xứng. Theo đề nghị, đối với ca ban ngày (daytime staff), tỷ lệ thích hợp là 1 nhân viên chăm sóc cho mỗi 5 người, tỷ lệ 1/10 cho ca chiều và 1/5 cho ca đêm. Tuy nhiên, nếu trung tâm dưỡng lão chuyên chăm sóc cho những người già mất trí nhớ hoặc tai biến mạch máu não thì cần có thêm nhân sự.

4. Hãy để ý đến mức vệ sinh và các mùi. Mùi nước tiểu là một dấu hiệu rõ rệt về phẩm chất vệ sinh tồi tệ. Ngược lại cũng không nên cả tin khi ngửi hương thơm từ các loại thuốc lau chùi, vì chúng có thể được che dấu những mùi khác.

5. Hãy yêu cầu xem lịch sinh hoạt cho nguyên tháng và để ý xem có tiết mục gì. Một trung tâm đúng nghĩa, phải có một giám đốc chuyên lo về sinh hoặt hằng ngày (activity director) cũng như thời khóa biểu sinh hoạt lành mạnh, gồm giờ tập thể dục, sinh hoạt chung, và giải trí. Giải trí không có nghĩa là chỉ mở TV cho các cụ coi mà còn bao gồm các mục trình diễn văn nghệ, ca hát, hài kịch, v..v..

6. Nên trò chuyện và hỏi thăm nhân viên làm việc tại viện dưỡng lão gồm nhân viên mới làm và làm lâu năm. Một viện dưỡng lão luôn thay đổi nhân sự và có người nghỉ việc là dấu hiệu cho thấy nhân viên có thể bất mãn với việc điều hành hoặc lương bổng.

7. Thông thường thì những viện dưỡng lão vô vị lợi và do chính phủ sở hữu đều được điều hành khá hơn, trả lương cao hơn, có đông nhân viên và chăm sóc tốt hơn những viện dưỡng lão do tư nhân kinh doanh. Mỗi viện dưỡng lão phải khai báo tổng số nhân sự cho Chương trình Bảo hiểm Medicare của chính phủ và tin tức này được lưu giữ trong một cơ sở dữ liệu (database), tuy nhiên, tổng số nhân viên do các viện dưỡng lão khai báo không hề được kiểm chứng.

8. Hãy thăm dò xem viện dưỡng lão có chính sách thuê y tá từ các công ty ở bên  ngoài vào làm tạm khi thiếu nhân sự không? Việc này có thể là một vấn đề, khi một y tá ở bên ngoài đến làm thế và không quen với lối sinh hoạt hằng ngày, mà phải chăm sóc cho mấy chục bệnh nhân chưa hề gặp mặt.

9. Đa số các viện dưỡng lão đều ký hợp đồng với bác sĩ bên ngoài và thường tư vấn qua điện thoại, cho nên một khi vào viện dưỡng lão, bệnh nhân không còn được khám bệnh với bác sĩ gia đình của mình. Thật ra bác sĩ được chỉ định của viện dưỡng lão chỉ đến thăm khám bệnh nhân một lần mỗi tháng, và khi đến thì vì quá bận và đông bệnh nhân nên thường chỉ ký vào hồ sơ bệnh án do y tá soạn sẵn. Hãy hỏi xem bác sĩ đến khám bao nhiêu lần trong tháng. Thân nhân cũng nên để ý đến tất cả các loại thuốc mà người bệnh uống cũng như khi bác sĩ đổi thuốc vì việc uống thuốc lầm thường hay xảy ra. Ngoài ra, trong những dịp đến thăm cũng nên lưu ý xem cha mẹ có gì khác thường, ví dụ như thương tích, dấu vết bầm hoặc cắt đứt do té ngã hoặc vết lở loét trên thân thể vì nằm ở một tư thế lâu dài mà không được xoay chuyển

10. Đừng ngần ngại lên tiếng khi cảm thấy có vấn đề gì, hoặc khiếu nại khi có điều bất mãn. Nhiều thân nhân không dám lên tiếng vì sợ ảnh hưởng đến sự chăm sóc của cha mẹ; nhưng phải nhớ rằng, viện dưỡng lão được trả tiền hàng ngàn Mỹ kim mỗi tháng để chăm sóc cho người già nên thân nhân có quyền lên tiếng để yêu cầu phẩm chất chăm sóc tốt. Ngoài ra, đây là nơi sống của người già, coi như nhà. Viện dưỡng lão không nên có những luật lệ cấm kỵ, khắc khe, trừ khi là để bảo vệ sự an toàn cho người già.

11. Khi cha mẹ dọn vào viện dưỡng lão thì nhớ mang theo chăn gối, mền đắp riêng từ  nhà, cũng như những vật dụng ưa thích và không thể thiếu. Hãy hỏi trước để biết có thể dọn vào những thứ gì, có nơi còn cho dọn vào giường tủ hoặc bàn ghế riêng. Điều quan trọng là phải tạo khung cảnh quen thuộc như đang ở nhà để người già không cảm thấy lạc lõng trong thời gian lâu dài. Nếu được thì nên xắp xếp thì giờ để thăm viếng thường xuyên trong thời gian đầu khi người  già chưa làm quen với đời sống ở viện dưỡng lão.

12. Đồ đạc bị mất hoặc đánh cắp cũng là một vấn đề lớn ỏ viện dưỡng lão; đã có trường hợp người già bị lột nhẫn và nữ trang. Lập một bảng liệt kê tất cả đồ dùng; giữ một bản ở nhà, và để một bản khác vào hồ sơ của viện dưỡng lão. Ngoài ra, hãy ghi tên vào tất cả vật dụng.

13. Một khi đã chọn viện dưỡng lão và làm thủ tục giấy tờ, hãy khoan ký và đem về nhà đọc kỹ hoặc nhờ một luật sư đọc qua. Thông thường lẫn lộn trong đám giấy tờ hợp đồng đó sẽ có những điều khoản viết chi tiết mà  nội dung thì có lợi cho viện dưỡng lão và bất lợi cho thân chủ, ví dụ như tước bỏ quyền thưa kiện nếu xảy ra việc gì. Đồng thời, nhiều viện dưỡng lão không có bảo hiểm về trách nhiệm pháp lý (liability insurance) khiến việc thưa kiện đòi bồi thường rất khó.  Diễm Quyên

Post a Comment

 
Copyright © 2013 SỐNG VUI KHỎE | Powered by Blogger